PHÚC THỌ LỰA CHỌN ĐẶT TÊN 3 XÃ MỚI SAU SẮP XẾP LÀ: PHÚC THỌ, PHÚC LỘC VÀ HÁT MÔN

19/04/2025 09:33

1. Nguyên tắc chung

Việc đặt tên ĐVHC mới thực hiện theo Kết luận số 37 KL/TW của Bộ Chính trị; thành phố Hà Nội định hướng một số nguyên tắc đặt tên như sau:

- Lựa chọn một ĐVHC cơ sở đặt theo tên quận, huyện, thị xã hiện nay; các ĐVHC khác thì lấy tên theo tên các địa danh lịch sử, văn hoá, cách mạng tiêu biểu trên địa bàn ĐVHC cơ sở mới, tránh sự trùng lặp.

- Ưu tiên đặt tên theo tên gọi đã có trước đây và tên gọi hiện tại của các ĐVHC hoặc đặt tên theo địa danh văn hoá, lịch sử, di tích, công trình kiến trúc, cảnh quan tiêu biểu nằm trên địa bàn ĐVHC đó. Việc đặt tên đơn vị hành chính không chỉ là việc phân chia địa giới, mà là định danh cho lịch sử, văn hoá và tầm nhìn phát triển của một vùng đất, mở ra một không gian phát triển không bó hẹp.

Đối với huyện Phúc Thọ trước đây Thành phố gợi ý cho các quận, huyện đặt tên theo hướng Phúc Thọ 1, Phúc Thọ 2, Phúc Thọ 3 là cách làm đơn giản, dễ nhớ, nhưng lại thiếu chiều sâu lịch sử và bản sắc địa phương, không phản ánh được đặc trưng riêng biệt của từng địa phương.

Vì vậy, Tổng Bí thư định hướng chỉ đạo, phải quan tâm tới địa danh lịch sử, truyền thống văn hoá…

Thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị và thành phố Hà Nội, ngày 18/4, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phúc Thọ đã thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của huyện từ 18 xã, thị trấn hiện nay thành 3 đơn vị hành chính mới lấy tên là: Phúc Thọ, Phúc Lộc và Hát Môn. Cụ thể:

(1) Xã Phúc Thọ (gồm các xã Tích Lộc, Trạch Mỹ Lộc, Phúc Hoà, Phụng Thượng, Long Thượng và thị trấn Phúc Thọ).

(2) Xã Phúc Lộc (gồm các xã Võng Xuyên, Xuân Đình, Sen Phương, Vân Phúc và Nam Hà).

(3) Xã Hát Môn (gồm các xã Hát Môn, Thanh Đa, Tam Thuấn, Ngọc Tảo, Tam Hiệp, Liên Hiệp và Hiệp Thuận).

Việc sắp xếp 3 xã có quy mô như trên sẽ tạo tính đồng bộ, hài hoà giữa các vùng và quy hoạch; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

2. Việc đặt tên 3 xã mới là Phúc Thọ, Phúc Lộc và Hát Môn

Việc đặt tên như trên được thực hiện trên cơ sở bám sát tinh thần của Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025. Theo đó, việc đặt tên của đơn vị hành chính cấp xã được quy định cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương. Vì vây việc đặt tên 3 tên xã mới đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo, phù hợp với thực tiễn của địa phương, mang tính kế thừa lịch sử truyền thống và phát triển của huyện Phúc Thọ hiện nay.

+ Đối với tên gọi Phúc Thọ: Đây là tên hiện tại của huyện, gắn bó với người dân Phúc Thọ và đã có lịch sử hơn 200 năm. Khi không tổ chức cấp huyện thì việc đặt tên huyện cho một xã để ghi dấu ấn của huyện là điều cần thiết. Phương án lấy tên huyện để đặt tên cho xã mới sau thành lập cũng là một trong những chủ trương được Trung ương định hịnh hướng và được nhiều địa phương trong Thành phố và cả nước lựa chọn.

+ Đối với tên gọi Phúc Lộc: Đây là tên gọi gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của huyện. Huyện Phúc Thọ vốn là một vùng đất cổ, được hình thành từ lâu đời. Từ thời Hùng Vương, Phúc Thọ nằm trong địa phận bộ Phúc Lộc – một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Đến đời vua Quang Thuận (1460 – 1469), huyện ta có tên là Phúc Lộc. Tên gọi này được kéo dài đến trước triều đại Tây Sơn. Đến đầu thời kỳ nhà Nguyễn, huyện lại được đặt tên là Phúc Lộc. Việc đặt tên xã là Phúc Lộc là tên cổ của Huyện ta trước đây, rất có ý nghĩa “Phúc” là may mắn, “Lộc” là tài lộc, phồn vinh, thể hiện khát vọng phát triển, ấm no cho người dân. Đây là tên gọi rất ý nghĩa mang tính kế thừa truyền thống vừa mang hơi thở hiện đại, giàu có và phát triển.

+ Đối với tên gọi xã Hát Môn: đây không chỉ là tên gọi địa danh hành chính đơn thuần mà tên gọi Hát Môn có ý nghĩa lịch sử, văn hóa sâu sắc. Hát Môn là địa danh lịch sử gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40 đầu công nguyên. Xưa kia, Hát Môn được Hai Bà Trưng chọn làm nơi dựng cờ khởi nghĩa, hội binh, lập Đàn thề, tế trời đất trước khi ra trận. Hội thề Sông Hát – Hội thề non nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của quyết tâm giành độc lập, tự chủ cho dân tộc. Trong không gian địa lý của xã Hát Môn sau sắp xếp có hệ thống các di tích thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh của Hai Bà. Đặc biệt, đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng và đền Hạ Hiệp thờ danh tướng của Hai Bà là tướng quân Hoàng Đạo được Nhà nước xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt. Lễ hội đền Hát Môn được công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đền Hát Môn được Thành phố công nhận là Điểm du lịch.

Do vậy, lấy tên xã mới là Hát Môn – nơi khởi nguồn của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng nhằm khắc sâu giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc và quê hương; được làm con dân nơi Hai Bà Trưng gây dựng nghiệp lớn, mang lại độc lập tự chủ cho đất nước và nhân dân cũng là niềm vinh dự, tự hào. Việc đặt tên xã mới là Hát Môn sẽ khơi dậy lòng tự tôn, tự lực, tự cường của nhân dân để xây dựng quê hương phát triển bền vững.

3. Đổi mới tư duy, tăng cường nhận thức, vì lợi ích chung, xây dựng quê hương giàu đẹp

Mỗi chúng ta cần nhận thức sâu sắc rằng, việc đặt tên đơn vị hành chính không chỉ là việc phân chia địa giới, mà là định danh cho lịch sử, văn hóa và tầm nhìn phát triển của một vùng đất. Việc đặt tên xã mới Phúc Thọ, Phúc Lộc và Hát Môn ban đầu có thể sẽ tác động đến tâm tư, tình cảm của người dân là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, mỗi chúng ta cần thống nhất quan điểm và nhận thức phải vì lợi ích và mục tiêu chung; vượt qua những băn khoăn, thói quen bình thường; vượt qua những tâm lý, tâm trạng vùng miền, địa phương để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn vì một xã mới có không gian phát triển kinh tế xã hội, mang dấu ấn và kế thừa giá trị văn hóa, lịch sử; không ngừng vươn mình, phát triển trong tương lai, đóng góp vào sự phát triển chung của Thành phố, đất nước.

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'PHÚC THỌ LỰA CHỌN ĐẶT TÊN 3 XÃ MỚI SAU SẮP XẾP LÀ: PHÚC THỌ, PHÚC LỘC VÀ HÁT MÔN'